Doanh nhân Hoàng Chuẩn: Tôi đã “bơi” ngược dòng như thế

Cách đây chưa đầy 4 năm, khi doanh nhân Hoàng Chuẩn quyết định nhảy vào lĩnh vực chế biến hạt điều, rất ít người biết đến Công ty TNHH SX hạt điều rang củi Hoàng Phú (156 Ấp 11B,  xã Lộc Thiện, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước). Thời điểm đó, nhiều doanh nghiệp chế biến điều đang dồn lực cho thị trường xuất khẩu thì ông Hoàng Chuẩn lại tìm cơ hội trong thị trường nội địa. Bằng một lối tư duy nhạy bén và cách làm khác biệt, trong thời gian rất ngắn, sản phẩm hạt điều rang củi Hoàng Phú đã nhanh chóng chiếm được thị phần riêng.

Doanh nhân Hoàng Chuẩn nhận mình là người khó tính trong việc lựa chọn nguyên liệu.

Nhặt bạc nhỏ, gom tiền tỷ

Trước khi trở thành giám đốc Công ty TNHH SX hạt điều rang củi Hoàng Phú, doanh nhân Hoàng Chuẩn đã có rất nhiều năm lăn lộn trong nghề thu mua hạt điều tươi tại Bình Phước. Chính cái nghề đó đã dạy ông kỹ năng cần thiết cho cuộc chinh phục thị trường hạt điều sau này. Năm 2012, khi đã bước sang tuổi 41, ông gom hết vến liếng chuyển hướng đầu tư vào ngành chế biến hạt điều. Điều đó khiến nhiều người bất ngờ bởi thị trường hạt điều lúc đó đang có sự cạnh tranh gay gắt của các công ty lớn. Lúc đó, lựa chọn sản phẩm hạt điều để kinh doanh là một sự mạo hiểm và để phát triển được thì phải có sự tính toán cẩn thận. Vì vậy, hướng lựa chọn của ông là sản phẩm hạt điều rang bằng củi.

Theo lý giải của doanh nhân Hoàng Chuẩn, có 2 lý do thôi thúc ông đưa thương hiệu điều rang củi Hoàng Phú ra thị trường. Một là, hạt điều Bình Phước rất đặc trưng, khác biệt so với hạt điều của các vùng khác nhưng hiện nay các thương hiệu hạt điều có mặt trên thị trường đều sử dụng phương pháp rang bằng điện. Điều đó khiến hạt điều mất đi màu và hương vị đặc trưng. Hai là, người Việt Nam ít có thói quen sử dụng hạt điều làm món ăn hàng ngày. Ông muốn thay đổi thói quen này bằng sản phẩm tốt nhất từ công ty Hoàng Phú.

Khởi nghiệp khi trong tay không có cái gì đối với một người làm kinh doanh là điều thật sự khó khăn và đối với doanh nhân Hoàng Chuẩn lại càng không dễ dàng khi lúc đó ông đã hơn 40 tuổi. Tháng 11 năm 2011, ông Chuẩn cho ra mẻ điều rang củi đầu tiên chỉ bằng 2 cái chảo với phương pháp rang tay thủ công. Sản phẩm làm ra, ông đích thân đem bỏ mối ở các sạp tạp hóa trong vùng.

Với một người lần đầu tiên bước ra thương trường như ông Chuẩn thì để sản phẩm được người tiêu dùng biết đến không phải là chuyện dễ chứ chưa nói đến chuyện thành công. Ông Chuẩn nhớ lại: “Tôi đem ký gửi các tiểu thương và hồi hộp chờ đợi kết quả phản hồi. Một tháng, hai tháng rồi ba tháng, nhiều túi hàng phải thu hồi lại vì quá hạn sử dụng. Đã có lúc tôi thấy nản chí muốn bỏ cuộc nhưng cái đam mê và tâm huyết với hạt điều đã giúp tôi trụ vững đến hôm nay”.

Sau gần nữa năm ngược xuôi vất vả, những tín hiệu khả quan đã bắt đầu xuất hiện khi sản phẩm hạt điều rang củi Hoàng Chuẩn đã được người tiêu dùng tìm mua. Những đơn hàng số lượng lớn tấp nập gửi về công ty buộc ông phải tăng năng xuất lên gấp đôi. Tuy nhiên, dù nỗ lực thế nào thì với phương pháp thủ công, ông Chuẩn cũng không thể đáp ứng kịp nhu cầu tiêu thụ sản phẩm ngày càng lớn.

Năm 2013, sau nhiều trăn trở, mày mò nghiên cứu, doanh nhân Hoàng Chuẩn đã chế tạo thành công 2 máy lò rang củi điều (trên cơ sở áp dụng phương pháp chế biến truyền thống) nhưng một phần quy trình sản xuất đã được cơ giới hóa. Đây là một nghiên cứu kỳ công của ông Chuẩn vì không chỉ tiết kiệm thời gian nhân công, tăng năng suất mà sản phẩm sau chế biến từ các lò rang này vẫn giữ nguyên được hương vị như phương pháp truyền thống. Với quy trình này, các khâu sản xuất đều được kiểm soát nghiêm ngặt nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm cũng như vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.

Là một người chèo lái con thuyền phát triển của công ty Hoàng Phú, doanh nhân Hoàng Chuẩn hiểu rằng, kinh doanh là một bài toán của dòng tiền và để dòng tiền chảy mạnh thì phải biết khơi đúng chỗ. Nếu như các công ty đối thủ thường có xu hướng chọn những sản phẩm tốt nhất cho thị trường xuất khẩu thì ông Chuẩn lại có cái nhìn hoàn toàn khác. “Tôi là người hay làm ngược với phương pháp kinh doanh truyền thống. Lâu nay các doanh nghiệp vẫn xem trọng thị trường xuất khẩu mà coi nhẹ thị trường nội địa. Họ chọ rằng, bán hàng ở trong nước như nhặt bạc nhỏ nhưng tôi lại nghĩ, nếu có hướng phát triển tốt thì chúng ta sẽ lượm tiền tỷ”.

Khi được hỏi tại sao lại chọn thị trường nội địa thì ông Chuẩn lại dẫn chứng câu chuyện về hạt điều Ấn Độ để minh chứng cho chiến lược của mình: Trước năm 1990, toàn bộ hạt điều thô nội địa và nhập khẩu đều được các doanh nghiệp Ấn Độ chế biến, xuất khẩu ra nước ngoài. Từ năm 1990 đến nay, ngành điều Ấn Độ đã liên tục gia tăng việc quảng bá, bán hàng ở thị trường nội địa, thông qua các hệ thống bán lẻ từ truyền thống (chợ phiên, chợ làng, lễ hội) tới hiện đại (cửa hàng tiện ích, chuỗi cửa hàng quốc doanh, trung tâm thương mại, siêu thị). “Bài học đó giúp tôi củng cố niềm tin vào thị trường trong nước hơn. Hãy cho người Việt Nam được thưởng thức những gì tinh hoa nhất của chính người Việt làm ra. Nghĩ như vậy nên tôi đã quyết bơi ngược dòng” – Doanh nhân Hoàng Chuẩn

Cái lợi thế của ông Chuẩn là xây dựng thương hiệu ngay trên vùng nguyên liệu của địa phương mình. Để có những sản phẩm tốt nhất ra thị trường, ông không ngần ngại lùng sục tìm mua được hạt điều tốt nhất do người đồng bào S’tiêng, Khmer ở huyện Lộc Ninh trồng. Với vùng nguyên liệu sạch, giống điều thuần chủng được trồng theo phương pháp truyền thống không sử dụng thuốc trừ sâu, hóa chất trong sản xuất, cộng với kinh nghiệm 20 năm trong ngành thu mua, chế biến nông sản, chỉ sau hơn một năm, từ nỗ lực của doanh nhân Hoàng Chuẩn, sản phẩm hạt điều rang củi của ông đã có mặt trên khắp cả nước.

Từ nhu cầu, sự ưa chuộng của người tiêu dùng, đến nay Công ty Hoàng Phú đã có trên 15 chủng loại “hạt điều tươi rang củi” tiêu thụ rộng rãi trên thị trường. Với chiến lược “bình dân hóa” sản phẩm hạt điều, ông Chuẩn đưa ra mục tiêu phát triển bắt đầu từ cái nhỏ nhất. Nếu đa phần các công ty khác đều chú trọng bao bì bắt mắt bằng nhựa PP thì Công ty Hoàng Phú lại sử dụng bao giấy. Tiêu biểu là loại sản phẩm túi giấy 50gr, hiện rất được ưa chuộng tại các tỉnh thành phía Nam với số lượng bán ra tương đối lớn. Ngoài ra ông còn cho ra đời sản phẩm hạt điều rang củi được đóng gói trong hộp nhựa Pet với thiết kế tối ưu trong bảo quản. Các sản phẩm hộp nhựa 500gr, túi giấy 450gr cũng đang được tiêu thụ mạnh ở các khu du lịch, sân bay và được du khách rất ưa chuộng để làm quà biếu tặng người thân. Với sản phẩm hạt điều rang củi, mỗi năm ông thu về 13-15 tỷ đồng từ thị trường nội địa.

Nói không với sản phẩm kém

“Để thành công trong kinh doanh thì phải biết giữ chữ Tín và đặt cái Tâm lên trên hết, nhất là trong lĩnh vực thực phẩm. Nếu có được sự tin tưởng của người tiêu dùng thì doanh nghiệp mới thành công”, doanh nhân Hoàng Chuẩn dứt khoát khẳng định khi nói với chúng tôi về triết lý kinh doanh.

Câu slogan “Chất lượng khẳng định thương hiệu” để ngay phía dưới tên công ty đến nay vẫn được xem là nguyên tắc bất di bất dịch mà doanh nhân Hoàng Chuẩn đề ra trong những ngày đầu bước ra kinh doanh. Ông bảo: “Tôi xây dựng thương hiệu dựa vào chất lượng và lòng tin của khách hàng. Nếu không mua được sản phẩm tốt để chế biến tôi sẵn sàng đóng cửa công ty, chứ nhất định không dùng hàng trôi nổi, kém chất lượng”.

Điều đặc biệt trong sản phẩm của Hoàng Phú là chỉ sử dụng nguyên liệu điều từ các nông dân người đồng bào S’tiêng, Khmer ở Bình Phước và một số nông dân khác mà ông quen biết. Ông đưa ra yêu cầu khắt khe và buộc nông dân cũng phải tự làm khó với những gì mình làm ra. Nhớ lại năm 2012, không tìm được nguyên liệu chất lượng, ông đóng cửa cơ sở, ngưng sản xuất trong một tháng mặc cho khách hàng ráo riết thúc giục. Chúng tôi hỏi ông rằng, những lúc hết nguyên liệu ông có mua hạt điều từ các vùng khác, của những hộ nông dân khác để thay thế? Ông lắc đầu nói: “Người tiêu dùng rất nhạy cảm. Chỉ cần một lần họ nhận ra hương vị khác là rất khó thuyết phục họ quay trở lại mua sản phẩm của mình. Vì vậy phải luôn luôn tôn trọng người tiêu dùng và giữ chữ tín của mình”. Giải thích về nguyên nhân vì sao ông chỉ chọn mua hạt điều do đồng bào dân tộc thiểu số làm ra, doanh nhân Hoàng Chuẩn cho biết, thường thì đồng bào S’tiêng và Khmer ở Lộc Ninh trồng điều không dùng nhiều phân bón, thuốc trừ sâu bệnh, họ phó mặc cho điều kiện tự nhiên, được bao nhiêu hay bấy nhiêu. Theo suy nghĩ của ông, những hạt điều chịu được sâu bệnh, chống chọi được với thời tiết khắc nghiệt sẽ cho ra hương vị đặc trưng…

Với phương châm “Chất lượng là trên hết”, ông Chuẩn trực tiếp thu mua, tuyển chọn những nguyên liệu tốt nhất. Để có được nguyên liệu lâu dài, ông ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm đầu ra với những nông dân trồng điều và đưa ra cái giá cao hơn thị trường. Điều đó không chỉ có lợi cho nông dân mà còn giúp ông có được những mặt hàng tốt nhất.

Từ những thành công này, năm 2013, sản phẩm của Công ty Hoàng Phú đã được Bộ Công Thương chứng nhận là sản phẩm thương hiệu Việt tiêu biểu và đề cử đại diện ngành điều Việt Nam tham gia Hội chợ Quốc tế Quảng Châu, Trung Quốc. Năm 2014, Công ty liên tiếp đạt được chứng nhận sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu 2014 (Hội Nông dân Việt Nam); được Hiệp hội Điều Việt Nam bình chọn là sản phẩm thuộc loại A trong nhóm thực phẩm ăn liền; Tạp chí Sở hữu trí tuệ và Sáng tạo bình chọn là sản phẩm tin cậy; Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam chứng nhận “Thương hiệu Việt tiêu biểu vì quyền lợi người tiêu dùng”.

Trước khi chia tay ông, chúng tôi có thắc mắc, liệu trong cuộc chơi dài hơi hơn Công ty Hoàng Phú có thể tiếp tục phát triển trên thị trường nội địa khi người Việt Nam ít có thói quen dùng hạt điều. Ông Chuẩn từ tốn trả lời: “Đa số người dân chưa hiểu rõ về giá trị của hạt điều. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến loại thực phẩm quan trọng này ít có chỗ đứng ngay trên sân nhà. Nhưng tôi tin, chẳng bao lâu nữa thói quen này sẽ thay đổi”.

Diệc Quyền – Kiên Cường
Nguồn: Báo Khoa Học Thời Đại

Tác giả bài viết: Diệc Quyền – Kiên Cường

Nguồn tin: Báo Khoa Học Thời Đại